CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin khoa học tâm thức & tôn giáo » Thần Giáo  » Chi tiết
 
Đền thờ Thần Đạo Nhật Bản tt
Trải qua nhiều thế kỉ, các ngôi đền Thần Đạo đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời để giữ đền trước sự đe dọa của cuộc sống hiện đại và đô thị hóa.

 

      Trải qua nhiều thế kỉ, các ngôi đền Thần Đạo đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời để giữ đền trước sự đe dọa của cuộc sống hiện đại và đô thị hóa.

     Đền thờ Thần Đạo Nhật Bản đã trải qua nhiều biến đổi theo từng giai đoạn phát triển chính trị, xã hội. Đền thờ vốn ra đời từ tín ngưỡng tôn sùng tự nhiên của người Nhật. Thần Đạo tôn thờ mọi vật trong tự nhiên từ núi, sông, suối, cây cỏ và đá. Theo quan niệm của người Nhật, thần linh cư ngụ khắp nơi trong thiên nhiên bao la. Không chỉ thờ cúng thần linh trong thân cây và trên các tảng đá, chẳng bao lâu sau, người ta bắt đầu lập bàn thờ thô sơ để tiến hành các nghi thức tế lễ. Và điều đó đã trở thành qui tắc của Thần xã. Từ xa xưa, tín ngưỡng tự nhiên đã là cội nguồn hình thành nên đền thờ.

Izanagi và Izanami là 2 vị thần tạo nên nước Nhật

     Ngoài ra, đền thờ Thần Đạo cũng có sự gắn bó mật thiết với công việc đồng áng. Ngày xưa, Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào việc canh tác lúa nước, công đoạn cấy lúa và thu hoạch hoa màu mang ý nghĩa sống còn đối với người dân. Nhưng kết quả của vụ mùa lại do thời tiết quyết định. Người Nhật quan niệm rằng, trong tự nhiên có rất nhiều vị thần chi phối thời tiết, chẳng hạn như Thần Mặt trời, Thần mưa. Vì vậy, mỗi khi đến mùa thu hoạch, người ta lại mang lúa hoặc hoa màu dâng lên thần linh tại các đền thờ nhằm cảm tạ thần đã cho họ vụ mùa bội thu. Cho đến nay, truyền thống này vẫn được duy trì tại nhiều ngôi đền.

Qúa trình phát triển của đền thờ Thần Đạo Nhật Bản còn thể hiện sự hòa hợp với một loại hình tôn giáo khác.

 

Cổng torri ở Izushi

      Vào thế kỉ thứ VI, cùng với sự du nhập của Phật giáo, các chùa chiền cũng xuất hiện tại Nhật. Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc tôn giáo trong nước, người Nhật bắt đầu xây dựng những ngôi đền kiên cố để thờ thần. Tuy nhiên, kiểu dáng kiến trúc của các Thần xã lúc bấy giờ vẫn là sự kế thừa lối xây dựng từ thời Yayoi, khoảng năm 300 trước Công nguyên với phần nền nhà cao.

Đám cưới truyền thống được tổ chức trong một ngôi đền thờ Thần Đạo

      Tiếp nhận tôn giáo mới nhưng người Nhật vẫn duy trì tín ngưỡng bản địa, Thần xã tôn thờ các vị thần và chùa là nơi thờ Phật. Sự hợp nhất giữa Phật giáo và Thần đạo đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài.

     Đến thế kỉ XIX, vào thời Minh Trị, chính quyền lúc bấy giờ đã ra sắc lệnh “Thần Phật phân ly”, tách Thần Đạo ra khỏi Phật giáo, đồng thời nổ lực chấn hưng tôn giáo bản địa. Đây là thời kì Thần Đạo phát triển mạnh mẽ với sự bảo trợ đặc biệt của chính quyền. Thần Đạo trở thành quốc giáo của Nhật Bản, gắn liền với các hoạt động của nhà nước. Việc viếng đền cũng như thực hiện các nghi lễ theo qui tắc của Thần Đạo được đề cao.

     Đền thờ Thần Đạo trên khắp cả nước được tu sửa, xây dựng, Thần Đạo trở thành biểu tượng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Lượng tín đồ theo tôn giáo này không ngừng gia tăng.

Bàn thờ Thần Đạo tại nhà

Cùng với sự hưng thịnh của Thần đạo, các cuộc hành hương đến đền thờ của tín đồ cũng gia tăng mạnh mẽ. Những ngôi đền nổi tiếng như Ise Jingu là điểm đến của tín đồ Thần đạo trên khắp cả nước. Mọi người quan niệm rằng, trong một năm ít nhất họ phải hành hương đến đền Ise một lần. Đó có thể là hành trình kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều tháng trời.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, Thần Đạo tách ra khỏi nhà nước để trở lại là một tôn giáo bình thường. Cùng với việc này, số người theo đạo cũng sụt giảm.

Đối với người Nhật, đền thờ Thần Đạo là nơi linh thiêng, mỗi năm, họ đi viếng đền khoảng vài lần vào các dịp đặc biệt hoặc để cầu bình an, may mắn trước lúc đi xa…Đền thờ cũng là điểm dừng chân của du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống Nhật Bản và là nơi diễn ra các lễ hội tưng bừng trong năm.

Các thông tin cùng loại này
» Thủ lĩnh giáo phái Aum (2012-03-21 11:35:42)
» Thần đạo Shintō (2011-10-28 09:04:32)
» Tôn giáo Hàn Quốc (2011-03-24 18:26:49)
» Đền thờ Thần Đạo Nhật Bản (2011-03-24 18:04:32)
» Tôn giáo trong đời sống của người Nhật Bản (2011-03-24 17:32:35)
» TÔN GIÁO CỦA NHẬT BẢN (2011-03-24 17:27:27)
  1  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 16180766
Đang online : 17