CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin khoa học tâm thức & tôn giáo » NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC  » Chi tiết
 
THẦN ĐỒNG PHẬT PHÁP VÀ THƠ
Riêng tôi thì ngạc nhiên và ngưỡng mộ vô cùng. Một cô bé 10 tuổi mà hiểu Phật Pháp như một vị sư. Vì những người thân của Búp Bê đang lo lắng sức khỏe của cô nên tôi tuy rất tò mò muốn hỏi thêm về cô bé nhưng vẫn dè dặt

THẦN ĐỒNG PHẬT PHÁP VÀ THƠ TRÊN ĐẤT ĐỒNG THÁP

Thăm thần đồng Phật Pháp

Cuối tháng 12/2009, thật bất ngờ, tôi được duyên lành theo chân Thượng tọa Thích Phật Đạo viếng các chùa ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Cuối cùng là thăm bé Thùy Trang, thường được gọi là Búp bê. Đoàn đi còn có sư cô Pháp Hỷ ở Thụy Điển, hai Phật tử là Việt kiều Mỹ, còn lại là người của TP Hồ Chí Minh.

 

Thùy Trang sinh ra cất tiếng khóc chào đời như hàng triệu đứa trẻ khác trên trái đất góp thêm một nốt nhạc trong bản trường ca bất tận của loài người. Đôi mắt to tròn đen láy hiền như chim câu, ngón tay dài hình tháp bút, da trắng như sữa mẹ, mái tóc mềm như lụa quê hương. Nhưng hình hài cô bé lại gây xúc động khôn lường cho những người thân trong gia đình.

Bé Thùy Trang hiện sống cùng với bà ngoại, nhà ở sát chùa Tòng Sơn, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Đoàn hành hương vừa bước tới cửa đã nghe tiếng nói lanh lảnh phát ra từ amply, truyền đến lời chào trịnh trọng thân ái.

Một bó hoa tươi từ tay bà ngoại của Thùy Trang tặng thầy Phật Đạo. Vào trong nhà mới biết do Thùy Trang bị té đau nặng, nằm trên giường không ra đón khách được nên phải mời chào khách kiểu đặc biệt như vậy.

       Cô bé nằm đó đôi mắt to chớp chớp mỉm cười dịu dàng, nhưng giọng nói rất mạch lạc và chững chạc: “Con xin lỗi đã không ra đón tiếp thầy Phật Đạo và các bác, các cô trên thành phố tới. Con thấy làm tiếc. Con xin thầy Phật Đạo và các bác, các cô thông cảm”. Giọng nói, thần sắc trên gương mặt cô bé 10 tuổi đĩnh đạc như một nữ chủ nhân lớn tuổi.

       Gia đình Thùy Trang theo đạo Phật giáo Hòa Hảo. Phòng ngoài là một trang thờ có hương, hoa nhìn đối diện ra cửa. Kế đó là bức tranh cụ Hồ, các Phật tử tới đây hầu hết là trong gia tộc của Búp Bê mỗi lần đến lạy Phật và lạy cả tranh cụ Hồ. Trong gia quyến có nhiều người không lập gia đình, một lòng theo đạo tu tâm, tích đức, trọn đời hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà.

      Trong một tuần lễ ăn, nghỉ tại nhà của cô bé, rất ít ai gọi tên thật của cô, mọi người đều gọi Thùy Trang là “Búp Bê” như một cái tên thứ hai. Búp Bê ít nói, ai hỏi thì trả lời, hầu hết là những câu hỏi về Phật Pháp.

Khi cô bé cất giọng thì ai cũng dỏng tai, nghiêng đầu lắng nghe. Riêng tôi thì ngạc nhiên và ngưỡng mộ vô cùng. Một cô bé 10 tuổi mà hiểu Phật Pháp như một vị sư. Vì những người thân của Búp Bê đang lo lắng sức khỏe của cô nên tôi tuy rất tò mò muốn hỏi thêm về cô bé nhưng vẫn dè dặt.

Giáp tết Canh Dần, tôi lại được xuôi miền Tây lần thứ hai, sư cô Pháp Hỷ đã về chùa Đại Bi Tâm ở Thụy Điển, nhưng lại có sư cô Pháp Nhẫn đã trên 70 tuổi cùng đi viếng các chùa ở Cần Thơ, chùa Địa Tạng ở Sa Đéc, viếng lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh… và lại đến thăm Búp Bê.

Lần này Búp Bê đã khỏe, tỏ ra rất vui khi thầy Phật Đạo lại ghé thăm nên cười suốt ngày.

Gia đình Búp Bê thuê thêm một xe 16 chỗ cùng đoàn Thượng tọa Thích Phật Đạo, 2 xe đi về hướng Hà Tiên viếng chùa Hang rồi về vùng Bảy núi lễ chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Ngôi chùa thật xứng với bề dầy lịch sử, uy nghi, lộng lẫy. Chùa Vạn Linh không những là một di tích văn hóa còn là danh lam thắng cảnh tâm linh của tỉnh An Giang

       Đoàn viếng thăm nhà tưởng niệm thầy Hai Thanh Sĩ của Phật giáo Hòa Hảo lần thứ hai, nhưng lần này chúng tôi được mời dự  ngày giỗ của Ngài.

      Bữa cơm chay rất ngon từ những bàn tay chế biến tuyệt vời bằng những thực phẩm đặc biệt của miệt vườn An Giang. Người đến thăm viếng đông ngẹt thở, người người nhích chân từng tí một.

     Búp Bê ngộp quá được bà ngoại ẵm ra bên ngoài trước. Thấy tôi thích ăn bánh tét, nhà bếp còn vui vẻ cho thêm một bịch nặng mang về. Chị Từ Nhẫn là Việt kiều Mỹ thích quá cười tít cả mắt. Còn tôi cảm động chẳng biết nói gì, hồn nhiên cầm bịch bánh tét ngoan ngoãn cám ơn như đứa trẻ ngô nghê.

     Chúng tôi len chân ra bên ngoài chờ lúc lâu, chị Từ Nhẫn lo lắng, “Thầy Phật Đạo bị bao vây trong đó rồi, không ra được. Làm sao bây giờ ?" Tôi nói: “Để tôi vào phá vây mở đường cho thầy Phật Đạo đi ra. 12 giờ trưa rồi, nắng quá”.

Thấy tôi xuất hiện, thầy Phật Đạo hiểu ý đứng lên ngay. Tôi khoát tay mở lối, thầy Phật Đạo cứ việc bước ra. Nhưng chưa hết, bên ngoài rất nhiều Phật tử tiếp tục vây quanh thầy, mời thầy về nhà một Phật tử gần đó. Thầy Phật Đạo hoan hỷ nhận lời, sau khi ngâm một đoạn thơ của ngài Hai Thanh Sĩ, thầy Phật Đạo xin thoái vài lần mới trở ra được. Thật là vui.

      Do ăn nghỉ tại nhà Búp Bê nên tôi có điều kiện tiếp xúc với bà ngoại của bé. Những gì nghe được về cách ra đời của Búp Bê thật kỳ lạ như trong chuyện cổ tích. Có lẽ vì những điều “kỳ lạ” mà gia đình rất tế nhị ít kể về sự ra đời của Búp Bê. Ngoại còn nói: “Trước đây cắt tóc ngắn cho Búp Bê, nhiều người tưởng là con trai nên Búp Bê thích để tóc dài”. Búp Bê để tóc dài là đúng, vì tóc cô bé rất mềm và óng.

      Khi đoàn hành hương trở về lại thành phố Hồ chí Minh thì đã 28 âm lịch, giáp tết Canh Dần.

Những điều kỳ diệu

Nhìn những đứa trẻ tiểu học khoác ba lô nhẩy chân sáo trong sân trường học mà không khỏi chạnh lòng nghĩ tới hình tướng của bé Thùy Trang. Khung xương phần ngực nhô lên phía trước, xương tay và xương chân dẹt, mỏng, chỉ sơ suất một chút là rất dễ bị gẫy.

Mới sinh ra, dựa trên hình hài và sức khỏe rất yếu của bé, bác sĩ khoa sản cho rằng bé sẽ không sống được lâu. Má của Thùy Trang bận rộn làm ăn sợ chăm sóc Thùy Trang không chu đáo nhỡ ra… thì ân hận nên đã nhờ bà ngoại và dì Hai Xuân trông nom.

Nhờ  những bàn tay nâng niu, lòng thương yêu và tận tụy chăm sóc cẩn thận từng ly, từng tý nên Thùy Trang càng lớn càng khỏe và có trí tuệ thông hiểu Phật pháp khác thường.

Sự khác thường hơn nữa là cách chào đời của Thùy Trang. Còn ẩn nấp trong bụng mẹ, khi siêu âm phát hiện thai ngược, đến tháng ra đời phải mổ. Một hình hài tý hon chào đời, hai chân khoanh tròn, hai bàn tay xếp lên nhau ngay trước bụng, đầu hơi cúi xuống trong tư thế của một người đang… thiền.

 

Những người thân của bé đã mấy đời theo Phật, thấy vậy nên vô cùng xúc động. Hàng ngày nâng niu như hứng hoa, nâng trứng.

Khi 4 tuổi, bà ngoại bắt đầu cho Thùy Trang ăn mặn. Thế nhưng cứ ăn vào là ói… và ói. Thế rồi… bé ăn chay suốt tháng suốt năm cho đến nay.  

Trước đó, khi mới 3 tuổi chưa nói sõi, một lần có nhóm Phật tử đi lễ Đức Phật thầy Tây An trên đường về ghé thăm “cốc” của Búp Bê. Trong khi uống nước, một vị cư sĩ muốn biết bé hiểu đạo Phật không nên hỏi thăm dò:

- Búp Bê ơi. Niệm Phật thế nào để nhứt tâm bất loạn ?

Chẳng phải suy nghĩ, Búp Bê đáp liền:

- Dạ thưa… Muốn niệm Phật nhứt tâm bất loạn thì phải buông bỏ nhân duyên.

Mọi người sững sờ nhìn nhau như không tin vào tai mình. Kỳ lạ quá, một bé gái 3 tuổi ngộ nghĩnh như búp sen non mới ló khỏi mặt nước mà sao đối đáp như một vị chân tu cao niên thao lược kinh Pháp. Cô bé khiếm khuyết về hình thể, không đi được, không tiếp xúc bên ngoài, không biết đọc, biết viết. Quả là một sự nhiệm màu đã tiềm ẩn trong bé từ kiếp nào ?  

Sự kỳ diệu này cứ thế được chắp cánh bay đi khắp nẻo vùng quê An Giang, Đồng Tháp. Ngày ngày, người người từ các nẻo xa gần, thành thị đến thăm “Thần đồng” về Phật pháp. Trăm người là cả trăm câu hỏi khác nhau. Người hỏi về Pháp môn, người hỏi về Thiền định. Có người tò mò hơn lại hỏi” “Vì sao Búp Bê lại giỏi Phật Pháp như vậy ?” Cô bé bình thản nói:

-  Có lẽ, nhờ nhân duyên từ một chứng đắc nội tâm từ kiếp trước mà đã đạt được.

Búp Bê thường trả lời ngắn gọn, xúc tích, không ề à nói quanh. Những Phật tử đến không chỉ xin tư vấn về Phật pháp, kinh nghiệm tu học mà còn bày tỏ cả những băn khoăn trong cuộc sống, về ứng nhân xử thế trong đời thường sao cho đúng đạo lý, cho đúng với cái tâm của một cư sĩ.

Nếu những vấn đáp này của các vị tu sĩ, của những Phật tử lớn tuổi thì chỉ là chuyện quá bình thường. Thế nhưng nó được ứng khẩu từ một cô bé đang ở độ tuổi măng non lại bị khiếm khuyết về hình hài, không đi lại được.

Vì thể lực yếu nên Búp Bê ăn rất ít. Có lần ngoại Tư trách yêu:

-   Búp Bê ăn cơm ít quá. Ngoại bỏ… không lo nữa.

Cô Bé nói rành rẽ:

-   Đức Phật, Đức Thầy độ tận chúng sanh cách này không được thì dùng cách khác chứ đâu có bỏ ai. Ngoại nói vậy là ngoại không làm đúng lời Phật, lời Thầy dạy rồi.

Ngoại cười hiền lành:

-  Búp Bê nói phải quá. Vậy mà ngoại quên chứ. Cám ơn Búp Bê nha.

Khi Búp Bê còn ở “cốc” của dì Hai Xuân, phía trước có cái ao nở đầy hoa súng màu đỏ. Một lần mấy đứa trẻ hơn Búp Bê vài tuổi đang tha thẩn mon men bờ ao bắt ốc, bắt cua chơi. Búp Bê gọi:

-   Mấy anh chị ơi. – Mấy đứa trẻ hóng cổ lên chưa biết là ai gọi – Búp Bê nói tiếp – Thả cua và ốc về với cha mẹ nó đi.

Ngoại Bảy ngồi gần đó, hỏi:

-   Búp Bê nói câu đó bằng tâm gì vậy ?

-   Là tâm từ đó – Bé trả lời gọn lỏn.

-   Tâm từ do đâu mà có ? – Ngoại lại hỏi.

-   Từ nơi chơn tánh đó, ngoại.

Thấy Búp Bê  trả lời kinh Pháp đâu ra đó, ngoại Bảy lại hỏi tiếp:

-   Thế nào là sống với chơn tánh ?

-   Là không phiền não, sân, si là sống với chơn tánh.

Những lúc dì Hai Xuân đi vắng chỉ có ngoại Bảy ở nhà. Cả ngày chẳng lẽ không nói gì với nhau, nên thỉnh thoảng ngoại rủ rỉ trò chuyện với Búp Bê. Nhưng mỗi câu ngoại Bảy hỏi thì Búp Bê đều trả lời bằng ngôn ngữ từ kinh Phật, cho dù câu hỏi rất đời thường:

-   Hàng ngày có đủ thứ chuyện, Búp Bê có nhớ hết chuyện này chuyện kia không ? – Ngoại Bảy hỏi.

-  Tâm thanh tịnh thì không nhớ gì – Búp Bê đáp – Còn tâm bị vọng thì nhớ đủ thứ, mà không thứ gì thành thứ gì cả.

Riêng đối thoại này của Búp Bê thì giống như người từng trải ngoài đời. Ngoại Bảy như trong vai một trẻ mẫu giáo trước thầy của mình, hỏi tiếp:

-   Vậy mình phải làm sao cho tâm hết nghĩ nọ kia ?

Lúc này thì Búp Bê không đáp, ngôn ngữ của Búp Bê cho ngoại hiểu bằng cử chỉ nhìn xuống, yên lặng của một người đang… thiền, và cũng tỏ ý chấm dứt đối đáp.

Thăm hỏi Búp Bê có nhiều đoàn khách Phật tử từ TP Hồ Chí Minh, miền Trung, miền Bắc, trong đó có Việt kiều từ các nước về quê hương cũng nghe tin lần lượt mà lận lội tới thăm. Ngoài các chư Tăng – Ni – Phật tử có cả những người ngoài đạo. Kiến thức sống khác nhau, sự hiểu biết xã hội khác nhau, văn hóa sống khác nhau, tính cách, cảm xúc khác nhau. Ngay cả những vị Tu sĩ cũng mỗi người hỏi Búp Bê mỗi khác. L

à đồng đạo đã hỏi Pháp thì không né tránh, có chăng ở những người tu học còn khiêm tốn thì cách hỏi cũng khiêm tốn. Phần nhiều khách đến thăm Búp Bê vì tò mò muốn trực tiếp biết khả năng của bé nói kinh Phật như thế nào ? Phần vì lòng ngưỡng mộ một thần đồng ở tận miệt vườn miền tây.

Việt kiều thì vượt qua hàng vạn dặm, người miền Bắc thì trải qua hàng ngàn cây số, người miền Nam thì cũng phải đi ô tô hết nửa ngày mới tới nơi. Đã cất công đến thì cũng cất công hỏi.

Cũng qua cách hỏi mà Búp Bê có thể qua đó thấy được tuệ giác của mỗi người mà tùy vào ý tứ, khả năng tu tập của người đó trả lời sao cho mỗi cá thể người hiểu được. Kể cả người biết rất ít về đạo Phật hỏi một cách vu vơ chẳng ăn nhập gì với kinh Phật. Cũng có những vị cao Tăng chỉ lẳng lặng ngồi nghe vì tất cả những gì Búp Bê đối đáp đã có trí huệ rồi. Hơn nữa nhiều người hỏi dồn một lúc sẽ làm cho Búp Bê mệt.

Ví như có bà hàng xóm, một hôm chẳng có việc gì sang nhà Búp Bê chơi, thật thà hỏi ngược xuôi nhưng không kém phần tò mò:

-   Búp Bê là Bồ Tát hay sao mà mới 6 tuổi đã biết nói Pháp vậy ? – Cô hàng xóm chưa biết rằng Búp Bê đã biết nói Pháp khi mới 3 tuổi.

-  Con đang học hạnh của Bồ Tát chứ không phải là Bồ Tát – Búp Bê đáp

-   Nếu Búp Bê không phải là Bồ Tát, vậy có phải là “Ông lên, Bà xuống” hay không ? – Cô hàng xóm gặng hỏi.

-   Dạ không.Con chỉ là người bình thường. Là một môn đệ của Đức Thầy

Dì Hai Xuân nghe vậy mỉm cười, hỏi chen vào:

-   Những điều Búp Bê nói, có phải do dì Hai và bà ngoại dạy không ?

-  Những lời giảng kinh là của dì Hai và bà ngoại. Còn những điều khác con tự nói ra là do trí tuệ.

-   Vậy làm sao mà Búp Bê có trí tuệ ? – Dì Hai hỏi tiếp.

-   Hàng ngày con lo niệm Phật, không có sân, si thì trí tuệ hiện.
 
Nhà văn Abutalip là người ở một nước cộng hòa trong khối Udơbêch của Liên Xô cũ đã có câu nói nổi tiếng: “Con ngưởi phải có 2 năm để học nói. Nhưng phải có 60 năm mới biết im lặng”. Còn Búp Bê ra đời trong một gia đình nghèo ở nông thôn, vùng quê chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với khoa học, công nghiệp không phát triển. Hiện tượng Búp Bê mới 3 tuổi, nói còn chưa tròn âm, tròn tiếng đã biết trả lời bằng kinh Phật, không sai một từ.

Với người lớn có sức khỏe, có hình thể phát triển bình thường cũng hạn chế điều kiện trau dồi kiến thức như ở các thành phố lớn, huống chi một đứa bé không có sức khỏe, không tự đi được. Cho đến khi 6 tuổi vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với con chữ. Vậy trí tuệ về kinh Pháp mà cố bé có được trau dồi từ đâu mà có sẵn khả năng đối đáp xuất chúng về Phật Pháp kỳ diệu như vậy ? 

Những vị chân tu, những người tu hành, hàng trăm Phật tử tiếp xúc với Búp Bê đều cho rằng kiếp trước có thể cô bé đã từng là một vị tu hành, nay đã tái hiện trong niên kỷ này. Một điều mà máy móc của khoa học tiên tiến trong thời đại vũ trụ bay lên mặt trăng cũng không thể giải mã bằng hình ảnh và những con số, mà chỉ những người tu hành, học đạo tin vào tâm linh mới có thể tự tìm ra câu trả lời.

Bà ngoại

Một buổi sáng, Ngoại Bảy ẵm Búp Bê ra ngoài đường đón nắng sớm vàng như mật ong và hít thở không khí, thấy một người có thúng dâu chín mịn màng dưới nắng sớm. Ngoại nói như reo:

-  Mèn ơi. Dâu tươi thấy mà ham quá hén – Rồi nheo mắt cười với Búp Bê, hỏi – Cái tâm của ngoại lúc này là tâm gì vậy, Búp Bê ?

-  Cái tâm thích đó, ngoại.

-  Cái tâm thích là tâm gì vậy ? – Ngoại hỏi tiếp.

-  Cái tâm thích là tâm vọng nhiễm đó, ngoại ơi.

Hay quá, Búp Bê đáp câu nào ngoại nghe cũng vui, lại hỏi:

-   Sao Búp Bê biết đó là tâm vọng nhiễm ?

-   Bởi vì mới thấy cảnh là tâm động rồi.

Ngoại vẫn thấy Búp có thể trả lời thêm về ý này, lại hỏi tiếp:

-   Làm sao mình biết tâm động ?

-   Mình nhìn vô tâm thấy thích nên biết nó đông.

Nhỏ tuổi nhất nhà, bé nhất nhà, sức khỏe yếu nhất nhà. Nhưng ai ở trong nhà làm gì cũng đều hỏi cô bé góp ý nên hay không nên làm. Ngoài tình thân ruột thịt, Búp Bê được trong gia đình ai nấy cũng cưng chiều. Được Phật độ mầu nhiệm có sẵn kiến thức Phật Pháp, ngẫu nhiên Búp Bê có cái uy khiến cả nhà nể trọng.

 

     Một lần ngoại đang nấu bếp, bỗng dưng nghe Búp Bê gọi:

      -   Ngoại ơi. Lấy viết và giấy ra ghi lại giùm con vài ý thơ.

     Vốn là người quê chân chất có bao giờ nghĩ đến thơ văn, giờ lại nghe Búp Bê đòi làm thơ ? Cô bé đâu biết đọc, biết viết mà thơ với thẩn ? Ngoại nghe vậy chưa kịp hiểu ý Búp Bê muốn gì nhưng cũng lấy bút và tập ra ngồi cạnh chờ “nhà thơ nhí” ứng khẩu:  (Xem tiếp)

Các thông tin cùng loại này
» Người có khả năng tàng hình, nhìn xuyên cả bê tông (2013-03-31 17:29:36)
» Người đàn ông thở ra lửa (2012-12-07 16:57:29)
» Nâng người bằng ngón tay (2012-09-24 17:44:08)
» Bé sinh non sắp chết bỗng hồi sinh khi cha mẹ ôm giã biệt (2012-07-23 15:53:38)
» Kỳ nhân Trương Bảo Thắng (2012-06-02 22:17:10)
» Thần đồng Phật giáo đất An giang (2012-03-31 11:22:39)
» Con người có thể linh cảm trước cái chết? (2011-07-12 21:06:37)
» Khinh công trước cửa Nhà Trắng (2011-04-03 12:27:21)
» Kunfu chịu nóng trong nồi áp suất! (2012-06-02 21:40:13)
» Bí ẩn linh tính và trực giác (2011-03-22 16:47:44)
»  Sức mạnh của bùa chú (2012-06-02 21:40:43)
» Câu chuyện kỳ lạ của một bác sỹ sau khi chết (2011-01-14 23:15:13)
» Nhịn ăn kéo dài nhờ năng lượng mặt trời (2011-01-14 23:14:29)
» Người 'không ăn suốt 70 năm' vẫn sống (2010-05-11 23:51:53)
» Xác chết không phân hủy sau 36 năm (2010-03-01 17:12:46)
» Vì sao các thiền sư bất hoại sau khi chết? (2012-03-30 15:48:28)
» Ngọc xá lị - bí ẩn chưa được khám phá (2012-06-02 21:33:53)
» Nướng cá bằng... ý nghĩ (2012-06-02 21:37:37)
» Ngôi chùa nuôi hổ tại Thái Lan (2012-06-02 21:39:43)
»  Hiệu ứng TNP (2012-06-02 22:14:57)
  1  2  Trang Tiếp
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 16197745
Đang online : 8